Công viên Expo Osaka

Xin chào các bạn, mình là Linh đến từ công ty JTS Việt Nam.
Để tiếp nối trong chuỗi Series “ Khám phá Nhật Bản” của mình, hôm nay mình xin giới thiệu đến các bạn địa danh Công viên Expo (Banpaku kouen) . Đây cũng là nơi mình thường xuyên tới vì nó gần trường mình.

Giới thiệu chung

Công viên Expo nằm ở thành phố Suita, phủ Osaka , được xây dựng vào tháng 9 nắm 1970 với diện tích rộng, lên đến 260 héc-ta. Công viên được xây dựng để kỉ niệm sự kiện Osaka lần đầu tiên được tổ chức Hội chợ Quốc tế năm 1970, sau 6 năm Tokyo đăng cai tổ chức Olympic. Ở trong công viên là hàng loạt các công trình vườn tự nhiên, bảo tàng,… và đặc biệt đó là công trình Tháp mặt trời- biểu tượng của công viên. Đây cũng là điểm đến yêu thích cuối tuần của các bạn trẻ hoặc của các gia đình.
Dưới đây mình có để link video 360 độ quay cảnh công viên, mời các bạn xem nhé.

Các địa điểm tham quan đẹp ở công viên

Tháp mặt trời

Đây là công trình nổi tiếng và là biểu tượng của công viên. Công trình này được nghệ sĩ Taro Okamoto thiết kế để làm công trình chủ đề trong triển lãm hội chợ Osaka Expo được tổ chức vào năm 1970. Điều đặc biệt của công trình này là trên bề mặt tháp có 3 khuôn mặt khác nhau với những ý nghĩa riêng biệt. Phía trên cùng của tòa tháp là “ khuôn mặt vàng” (黄金の顔)tượng trưng cho sự tỏa sáng trong tương lai, phía trước là “ khuôn mặt của mặt trời”(太陽の顔)đại diện cho hiện tại, và sau lưng tháp là một “ mặt trời màu đen” (黒い太陽)có ý nghĩa nói về quá khứ. Đây cũng là nơi mọi người thích check in, chụp ảnh khi tới công viên.

Vườn Nhật Bản

Vườn Nhật Bản được xây dựng như một triển lãm của chính phủ Nhật Bản tại hội chợ Osaka (Osaka Expo), tôn vinh những kĩ thuật tạo cảnh quang Nhật Bản tinh tế nhất. Vườn Nhật Bản có diện tích là 26 héc-ta, dài 1300m từ đông sang tây và rộng 200 m từ bắc tới nam, trong vườn có một dòng nước chảy dài từ đông sang tây đại diện cho dòng chảy thời gian và sự tiến bộ của loài người. Dọc theo dòng nước là bốn kiểu cảnh vườn, từ thời cổ xưa ( thế kỉ 8 đến 11), đến thời trung cổ ( thế kỉ 12 đến 16), thời cận đại ( thể kỉ 17 đến 19) và thời hiện đại ( thế kỉ 20 trở đi). Khu vườn được coi là con đường dạo bộ sang trọng, nơi mà chúng ta có thể tạm quên đi thời gian để tận hưởng thế giới wabi sabi ( vẻ đẹp tự nhiên, vô thường).

Đặc biệt trong khu vườn Nhật Bản các bạn có thể tham gia lớp học trà đạo để tìm hiểu văn hóa trà đạo và được thưởng trà và ăn bánh wagashi.

Vườn văn hóa tự nhiên

Đây là khu vườn được trồng rất nhiều loại hoa với mục đích là để tái sinh rừng tự nhiên. Ở phía tây là khung cảnh rừng núi còn phía tây là những bài cỏ trải dài tượng trưng cho đồng bằng rộng lớn. Đây cũng là địa điểm picnic lý tưởng của các gia đình vào dịp cuối tuần. Nếu bạn đến đây vào mùa xuân thì có thể ngắm hoa anh đào, hoa tuy líp; mùa hè ngắm hoa hướng dương, cẩm tú cầu còn mùa thu sẽ ngắm những hàng cây lá đỏ trải dài. Mình đã đến đây vào mùa hoa anh đào. Dưới gốc anh đào chúng mình vừa ăn uống, vui chơi với bạn bè vừa được ngắm cảnh hoa anh đào rơi vô cùng đẹp. Đó là một buổi picnic cực kì vui.

Bảo tàng Dân tộc học quốc gia

Đây là bảo tàng lớn ở Osaka, tập hợp các bộ sưu tập đồ vật, hiện vật tuyệt đẹp, phác họa lịch sự loài người qua các thời kì. Các không gian văn hóa của bảo tàng được phân chia theo vùng, giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của các quốc gia. Hơn nữa bảo tàng còn có phòng trưng bày nghe nhìn theo chủ đề âm nhạc và ngôn ngữ. Đây là nơi vô cùng lý tưởng dành cho những ai muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa thế giới nói chung và văn hóa Nhật Bản nói riêng.

Tổng kết

Mình nghĩ rằng nếu chỉ dành một ngày thì không thể khám phá hay tham quan hết được công viên Expo, tuy nhiên bạn có thể chọn ra địa điểm mình yêu thích rồi tới cũng là một cách không tồi. Nếu bạn đi du lịch Osaka thì đừng quên đến Công viên Expo nhé.


<<関連記事>>
~Shirakawago- Ngôi làng cổ tích đẹp nhất Nhật Bản~
https://jtsvn.com/2022/01/29/shirakawago-ngoi-lang-co-tich-dep-nhat-nhat-ban/

<<JTS VIETNAM Facebookページ>>
https://www.facebook.com/JTS-Vietnam-Company-Limited-101711221706411/

Công viên Expo Osaka” に対して1件のコメントがあります。

コメントは受け付けていません。