Quy tắc chào hỏi(挨拶)
Ông bà xưa có câu “ Lời chào cao hơn mâm cỗ”, để đề cao vai trò của việc chào hỏi trong cuộc sống hàng ngày. Trong môi trường làm việc cũng vậy, việc chào hỏi rất được coi trọng và được đưa vào chương trình tập huấn cho các nhân viên mới vào công ty. Đặc biệt trong văn hóa kinh doanh của Nhật Bản, việc chào hỏi chính là cách gây ấn tượng tốt trong lòng khách hàng. Vậy chào hỏi thế nào cho đúng, cho chuẩn Nhật thì hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé.
1. Quy chuẩn trong cách chào hỏi
a. Hãy là người ngỏ lời chào trước
Một lời chào hỏi được đánh giá cao là lời chào hỏi xuất phát từ bản thân mình trước. Khi bạn chủ động chào hỏi sẽ khiến cho đối phương có ấn tượng tốt về bạn, giúp cho mối quan hệ của cả hai thêm suôn sẻ và bền chặt hơn. Chính vì thế bạn nên ý thức rằng : hãy là người ngỏ lời chào trước nhé.
b. Hỏi trước chào sau
Các bạn đã từng nghe đến cụm từ 「語先後礼」(gosengorei) chưa? Đây chính là một trong những quy tắc chào hỏi của người Nhât. Cụm từ này có nghĩa là “hỏi trước chào sau”, tức là sau khi chúng ta ngỏ lời chào thì sẽ thực hiện hành động chào. Ví dụ sau khi chúng ta nói với đối phương「おはようございます」( chào buổi sáng) thì chúng ta mới cúi người chào. Làm như thế này mới đúng theo nghi thức chào hỏi của người Nhật.
c. Khi chào hỏi hãy nhớ gọi cả tên đối phương
Có bao giờ bạn tự hỏi: khi gặp người Nhật chào là 「おはようございます」hay chào là 「〇〇さん、おはようございます。」thì sẽ tốt hơn hay là cả hai cách đều như nhau không?
Câu trả lời là nên chào bằng cách thêm tên của đối phương nhé. Khi chúng ta nói cả tên đối phương trong câu chào sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn là người chỉn chu, biết coi trọng người khác từ trong cả lời chào và có ấn tượng tốt về bạn.
d. Khi chào hỏi đừng nên nói cộc lốc một câu
Thông thường hàng ngày chúng ta chỉ chào hỏi nhau chỉ bằng 1 câu chào quen thuộc như 「お疲れ様でした」. Cách chào này không sai, tuy nhiên sẽ không làm cho đối phương ấn tượng hay có thể truyền tải được cảm xúc của bạn thông qua lời chào đơn điệu như vậy. Chính vì thế, thay vì nói một câu chào thong thường bạn nên thêm những câu như 「昨日、とても楽しかった。ありがとうございました。」、「今日大変でしたね、お疲れ様でした。」. Nói như vậy sẽ khiến cho đối phương không cảm thấy bạn chào để cho có mà sẽ khiến họ cảm thấy bạn thực sự đang quan tâm đến họ.
2. Cách cách chào trong tiếng Nhật và ngữ cảnh sử dụng
a. Chào cúi đầu 15 độ (eshaku)
Thân mình và đầu hơi cúi khoảng 1 giây, hai tay để bên hông ( với nam giới) hoặc để trước bụng khoảng dưới rốn ( đối với nữ giới). Đây là kiểu chào dùng khi gặp những người trong công ty hoặc ra vào phòng họp, phòng tiếp khách…
b. Chào cúi đầu 30 độ (keirei)
Thân mình cúi xuống 30 độ và giữ nguyên khoảng 2-3 giây. Dùng trong trường hợp gặp khách hàng hay khi đến thăm công ty đối tác,…
c. Chào cúi đầu 45 độ (saikeirei)
Thân mình cúi xuống khoảng 45 độ, mắt hướng về phía chân mình. Dùng trong trường hợp xin lỗi, các nghi lễ, cảm ơn…
3. Tổng kết
Chào hỏi là nghi lễ rất quan trọng không chỉ trong kinh doanh mà còn trong cả cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt khi bạn làm việc ở trong các công ty Nhật Bản thì nên nằm lòng các quy tắc chảo hỏi trên nhé.
<<関連記事>>
~Diện mạo tại nơi làm việc (職場における身だしなみ)~
https://jtsvn.com/2022/03/30/dien-mao-tai-noi-lam-viec/
<<JTS VIETNAM Facebookページ>>
https://www.facebook.com/JTS-Vietnam-Company-Limited-101711221706411/
<<JTS VIETNAM Youtube チャンネル>>
https://www.youtube.com/channel/UC4z4OTTxF_dOeHxI-u2Xrhw
“Quy tắc chào hỏi(挨拶)” に対して1件のコメントがあります。
コメントは受け付けていません。